“Work-life fit” là gì?
Work-life fit là sự hài hòa, linh hoạt giữa công việc và cuộc sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người.
“Work-life fit” và “work-life balance”
Trước đây, mọi người thường đưa ra khái niệm “work-life balance”, nghĩa là cân bằng công việc và cuộc sống. Khi nói tới cân bằng, ta nghĩ ngay đến việc phân chia thời gian và sự tập trung giữa công việc và cuộc sống để đạt tới trạng thái cân bằng.
Mọi người thường hiểu cân bằng nghĩa là chúng ta phải dành thời gian và nỗ lực ngang nhau cho công việc và cuộc sống. Liệu điều này có khả thi vào mọi thời điểm? Rõ ràng là không. Đôi khi cuộc sống hoặc công việc sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Cân bằng chỉ là “điều kiện lý tưởng”mà chẳng mấy khi chúng ta ở trạng thái đó.
Thời gian và thực tế đã chứng minh, con người sẽ khó mà đạt tới trạng thái cân bằng lâu dài, hoàn hảo. Thay vì tập trung vào sự cân bằng, “work-life fit” tập trung vào sự phù hợp và linh hoạt, tùy theo mục tiêu và ưu tiên của mỗi người, trong từng giai đoạn cụ thể. “Sự phù hợp” sẽ cho phép chúng ta chủ động điều chỉnh cuộc sống, công việc của mình để mọi thứ hài hòa và thích ứng với nhau.
Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi: “Khi nào thì người ta cần cân bằng?”. Đó là khi người ta bị mất cân bằng. Tức là phải có sự mất cân bằng xảy ra, rồi chúng ta mới tìm cách cân bằng lại. Vậy, cân bằng là một phản ứng sau khi bị mất cân bằng.
Ngược lại, hòa hợp cuộc sống và công việc lại là sự chủ động lựa chọn, cho phép mỗi người tự lập kế hoạch và giải quyết những mối quan tâm nhất trong công việc, gia đình, cuộc sống cá nhân theo cách hiệu quả nhất với họ1.
Điểm nổi bật của Work-life Fit
Phù hợp với từng người
Sẽ không có một chuẩn chung cho tất cả mọi người. Mỗi người có cuộc sống riêng, vì vậy cần tìm ra cách kết hợp công việc và cuộc sống sao cho phù hợp với bối cảnh, vai trò và mục tiêu của mình.
Linh hoạt
Work-life fit không chia tách rạch ròi công việc và cuộc sống mà xem hai điều này song hành, đan xen với nhau.
Ví dụ một vài ý tưởng từ triết lý này:
- Làm việc từ xa để tối ưu thời gian đi lại, có thời gian chăm sóc gia đình
- Điều chỉnh giờ làm để dành thời gian học hỏi, phát triển, chăm sóc bản thân
Tính chuyển động
Theo triết lý Work-life fit, mọi thứ không cố định mà thay đổi theo nhu cầu của từng giai đoạn cuộc đời. Sẽ không có một cách thiết kế cuộc sống – công việc cố định suốt nhiều năm.
Ví dụ: Người mới sinh con có thể cần nhiều thời gian cho gia đình hơn là công việc, nhưng sau đó khi con đã đi học, họ có thể ưu tiên sự nghiệp nhiều hơn.
Hiệu quả cao
Hiệu quả khác hiệu suất. Hiệu suất là làm được nhiều việc hơn trong một khoảng thời gian. Hiệu quả là làm đúng và làm tốt những việc mang lại kết quả.
Work-life balance có thể giúp hiệu suất làm việc cao hơn. Nhưng triết lý work-life fit mở ra cơ hội để bạn có hiệu quả cao hơn trong cả công việc và cuộc sống.
Hạnh phúc hơn
Khi công việc và cuộc sống hoàn toàn hòa hợp với nhau, bạn sẽ đạt tới trạng thái hợp nhất: Hợp nhất bên trong và bên ngoài, hợp nhất công việc và cuộc sống, hợp nhất thu nhập và ý nghĩa khi làm việc… Ở trong trạng thái này, toàn thân – tâm – trí của bạn đều sẽ hướng về cuộc sống thành đạt & hạnh phúc viên mãn. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hài lòng và tìm thấy ý nghĩa trong từng công việc bạn làm.
Vì sao Work-life Fit quan trọng với một tổ chức?
- Khi có sự hài hòa, đội ngũ sẽ tập trung hơn, cống hiến nhiều hơn, sáng tạo hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.
- Giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp.2
- Tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc
- Gắn kết đội ngũ
- Tăng sức hút và giữ chân nhân tài
Làm thế nào để hòa hợp công việc và cuộc sống?
Sau đây là những lời khuyên quan trọng của các chuyên gia để bạn hòa hợp công việc & cuộc sống
- Có thứ tự ưu tiên rõ ràng và sắp xếp công việc của mình theo các thứ tự ưu tiên đó.
- Chánh niệm trong công việc: Khi làm việc, toàn tâm toàn ý với công việc.
- Chánh niệm khi nghỉ ngơi: Khi không làm việc, bạn hãy cai nghiện kỹ thuật số (điện thoại, máy tính).
- Trung thực với chính mình về giới hạn của mình, sau đó đặt ra ranh giới xung quanh những giới hạn đó.
- Làm công việc mà bạn đam mê. Bởi khi làm nó, bạn sẽ thấy mình “làm như chơi”. Bạn hạnh phúc và tận hưởng trong công việc của mình. Khi đạt tới trạng thái đó, nghĩa là bạn đang cân bằng, mặc dù không cố gắng để đạt được cân bằng.